Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2011

Cai nghiện Game như thế nào?

Tổng hợp từ nhiều bài báo và cách làm hay, hiệu quả:

"Tại Hàn Quốc, tình trạng teen bỏ học, chia bè phái vì nghiện game đã và đang gia tăng mạnh mẽ. Mới đây, chính phủ nước này đã cho xây dựng các trại tập trung với mục đích cai nghiện game cho thanh thiếu niên. Tại đây, teen phải trải qua khóa huấn luyện như trong quân đội dưới điều kiện vô cùng khắc nghiệt."
"Một khi đã bước chân vào đây, họ phải hoàn toàn tự lập", một quản giáo tại trại huấn luyện cho hay. "Quy định của trại cũng nêu rõ, các học viên không được sử dụng máy tính trong suốt quá trình huấn luyện. Một ngày họ chỉ được sử dụng điện thoại di động 1 tiếng, tránh tình trạng một số người vẫn tranh thủ chơi game trên mobile".




Cai nghiện được không?

Được, với điều kiện game thủ ấy phải có quyết tâm, cộng với sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè - Đó là khẳng định của các chuyên gia tâm lí...
Thắng (14 tuổi ở huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) đã trở lại cuộc sống bình thường trong niềm hân hoan của bản thân và hạnh phúc của cả gia đình. Từng nghiện game nặng, theo bang phái như trong game, Thắng bỏ nhà đi hơn một tuần lễ. Ngoài đường, Thắng cùng các đồng đạo của mình sống nay đây mai đó, hành hiệp việc nghĩa, trong khi ở nhà ba mẹ lo sốt vó, đứng ngồi không yên.
Ngày tìm được Thắng, gia đình đưa cậu ta đến khám tại trung tâm tham vấn tâm lí ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 với trạng thái suy nhược, kém tập trung. Thắng được các bác sĩ tâm lí đánh giá là rối loạn hành vi, có nhiều triệu chứng của căng thẳng kéo dài. Ngay cả mẹ của Thắng cũng không biết tại sao con mình lại bất ngờ bỏ nhà đi bụi để ra nông nỗi này. Bác sĩ tâm lí phải kiên trì theo dõi từng chi tiết nhỏ nhất trong những câu chuyện rời rạc của Thắng, cuối cùng mới khẳng định: Thắng nghiện game online.
Khi nghe những phân tích của bác sĩ, đến lúc này Thắng mới hiểu được toàn bộ câu chuyện của chính mình, và thừa nhận mình đã đến với game online suốt một năm trước đó và thường xuyên bỏ học, ngồi cả ngày trong tiệm game... Thắng bỏ nhà đi “phiêu bạt giang hồ” chỉ vì nghe theo lời rủ rê của các đồng đạo. Đáng chú ý, khi bác sĩ hỏi Thắng nghĩ gì về hành động bỏ học đi bụi, Thắng ngây thơ cho rằng đó như là việc tự nhiên cần phải làm vì hành hiệp giang hồ rất được cộng đồng trên game ủng hộ nhiệt liệt, và còn là cơ hội để tăng nhanh level (!?) 

Bác sĩ trực tiếp điều trị cho Thắng cho biết, việc “đấu tranh” về nhận thức với game thủ này rất khó khăn vì hai thế giới thật và ảo đang lẫn lộn vào nhau trong suy nghĩ của Thắng. Nhưng sau khoảng 10 buổi thăm khám như thế, với liệu pháp chính là lần lượt tháo gỡ từng nút thắt trong những bất ổn về tâm lí, Thắng đã tiến triển rất tích cực, không cần dùng đến viên thuốc nào.
Những ngày đầu về nhà, không được đụng tới bàn phím, Thắng rất dễ cáu gắt... Thấy vậy, mẹ của Thắng cho phép cậu ta mở game online lên, ngay lập tức ánh mắt Thắng trở nên linh hoạt hẳn khi hòa mình vào thế giới ảo. Theo hướng dẫn của bác sĩ tâm lí, việc cắt cơn nghiện của các game thủ phải làm từ từ. Mẹ Thắng không cấm cậu ta bỏ game online ngay lập tức vì sẽ làm Thắng bị sốc, dẫn đến phản ứng lại. Trước mắt, mẹ của Thắng giúp con mình ổn định tâm lí bằng bầu không khí vui vẻ trong gia đình qua các bữa cơm, trò chuyện, đi ra ngoài dạo phố... vào chính những thời điểm “nóng” mà Thắng thường online đi hành hiệp trước kia. Những hoạt động đầm ấm gia đình dần dần gián tiếp cắt giảm giờ chơi game của Thắng. 

Ngày qua ngày, sự quan tâm của mẹ và sự hỗ trợ của bác sĩ đã giúp Thắng ngồi trở lại bàn học và gần như không còn đụng đến game online nữa!

Theo chuyên gia tâm lí Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Tâm lí lâm sàng Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (TP Biên Hòa, Đồng Nai): “Muốn cai nghiện game thành công phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình và các chuyên gia tâm lí. Như trường hợp của Thắng, nếu gia đình không quan tâm (đưa đến gặp bác sĩ tâm lí) kịp lúc và kiên trì hợp tác với bác sĩ thì Thắng khó có được tình trạng tích cực như thế! Nếu như Thắng rơi vào trạng thái suy nhược cơ thể, tâm thần nặng, gia đình đưa đến các cơ sở y tế đa khoa, trông đợi sự can thiệp về thuốc mà không giải quyết tận gốc vấn đề tâm lí thì cũng không ăn thua gì vì khi khỏe mạnh lại, cơn nghiện game sẽ lại tiếp tục hành hạ Thắng. Điều đó là chắc chắn!”

Làm thế nào để không nghiện?
- Chỉ chơi game online tối đa 2 giờ/ ngày.
- Đừng quá lụy vào game online.
- Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, học tập. 

Mình cũng đã từng nghiện game và cách cai nghiện của mình
Mình đã từng nghiện game 24/7, vì mình bên Mỹ nên có computer riêng tại nhà, không cần ra dịch vụ nên mình đã ngồi trên mạng 24/7 đóng cửa phòng chơi game, mỗi khi đến giờ ăn thì má mình đem đồ ăn lên phòng cho mình, mọi người đều tìm hết cách để không cho mình chơi game võ lâm truyền kỳ nữa nhưng đều thất bại. Sau một thời gian dài chơi vltk, mình đã xây dựng 1 nhân vật siêu cấp trong game, hạng nhất nhì. Nhưng sau khi bị hack và mất nick, mình bị sốc và đã chán nản bỏ game từ đó. Nếu muốn con em mình cai nghiện game, cách tốt nhất nên tiêu diệt nhân vật trong game của chúng bấy lâu nay xây dựng nên, thì sẽ làm cho con em chán nản và bỏ game.

Cai nghiện game online: Chúng tôi từ bỏ game cách nào?

Bên cạnh những chia sẻ, bộc bạch nỗi đau của mình, của người thân đã trả giá nặng nề cho việc nghiện game online, cũng có ý kiến của nhiều bạn nói về việc tự cai nghiện game của mình...

Hình ảnh mẹ kéo tôi thoát game
Tôi trước đây cũng là tín đồ của dòng game online. Có lúc tôi trốn học để lao vào cày LV trong các tiệm Internet đến 2-3g sáng. Cho đến một hôm, tôi phụ mẹ đi bán hàng lúc 0g sáng. Nhìn dáng mẹ oằn lưng kiếm từng đồng tiền tôi chợt nhận ra mình đã làm lưng mẹ thêm oằn; thậm chí còn khiến mẹ phải lo nghĩ nhiều về tôi - một người con chỉ “làm vương làm tướng” trên mạng chứ ngoài đời phải ăn bám gia đình.
Thế là tôi bắt đầu từ bỏ thế giới ảo. Lúc đầu cũng khó khăn lắm, nhìn người ta chơi nhiều lúc cũng muốn vào chơi, nhưng lúc ấy tôi lại thấy hiện lên hình ảnh mẹ mỗi lúc một già mà vẫn phải còng lưng đêm hôm kiếm từng đồng nuôi mình ăn học...

Game nào cũng thế: danh ảo
Sau một thời gian chơi game, tôi nhận ra rất rõ một điều: game nào cũng chỉ có thế: lên cao cho cùng vẫn chỉ là cái danh ảo “vô địch”, “top player”... Đó là chưa nói khi gặp bạn bè, tôi chỉ toàn nói chuyện game online khiến nhiều đứa bạn chán nản, không muốn gặp một thằng suốt ngày ôm máy tính chơi game chứ không có bản lĩnh gì khác. Thật may, tôi còn những người bạn tốt đã giúp tôi thoát ra bằng những cuộc chơi, họp mặt bạn bè thật sự ngoài đời để chia sẻ vui buồn trong cuộc sống, việc học.


Các game thủ cần biết sự thật này
Tôi từng làm trong một công ty chuyên sản xuất và kinh doanh game online hàng đầu của Đài Loan.
Gần như lúc mới vào công ty, ai cũng mê game hơn công việc. Nhưng sau một tháng hầu như mọi người đều không còn muốn chơi nữa. Vì sao? Không phải game dở mà do chúng tôi đều có thể tự thay đổi, điều khiển số lượng vật dụng, chỉ số sức mạnh và những thứ khác có trong game, thậm chí nếu muốn bên Đài Loan sẵn sàng cung cấp những vật dụng “đỉnh nhất” trong thế giới game, tha hồ xưng hùng xưng bá.
Nếu các game thủ biết quy trình, cách thức sản xuất game online sẽ hiểu rằng mọi thứ trong game online đều là ảo, nhà sản xuất và nhà cung cấp có thể lấy đi những gì bạn có trong game với việc sửa đổi vài đoạn mã code trong tích tắc. Mất hàng ngày, hàng giờ “cày” cực khổ quên ăn quên ngủ chỉ để sở hữu những thứ hư không như vậy có đáng chăng? 

Tôi không muốn xa lạ trong mắt người thân yêu
Đó là thời gian đen tối trong cuộc đời tôi khi năm học 12 kết thúc, tôi sa vào game online với những danh vị ảo mà quên rằng thực chất mình chỉ là một kẻ kém cỏi trong cuộc sống, chây lười học tập... Gia đình, bạn bè, người yêu... dần dần nhìn tôi với cặp mắt xa lạ. Một lần “mò đầu” về tranh thủ ăn cơm để lấy sức “trực chiến”, mẹ đau xót nói với tôi: “Lẽ nào con xem gia đình chỉ là chỗ trú chân khi đói và khi buồn ngủ?”.
Tôi nghĩ mãi câu này và quyết tâm chứng minh cho mẹ thấy con của mẹ không đến nỗi tồi tệ như vậy! Với quyết tâm, dù vô cùng khó khăn, cuộc sống bình thưòng đã trở lại với tôi. Tôi cai được game online vì không muốn mất đi niềm tin, tình cảm của mẹ, người thân yêu, bạn bè xung quanh.

Trang bị lại những giá trị bị thương tổn
Có một khoảng thời gian khá dài tìm hiểu và làm việc với một số bạn trẻ nghiện ma túy, tôi thấy nhiều bạn tìm đến ma túy như cách lãng quên rất tiêu cực những áp lực, khó khăn từ cuộc sống.
Những bạn trẻ nghiện game online, tôi nghĩ cũng có thể có những nguyên nhân tương tự. Trước những khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt, họ bước vào thế giới ảo của game online đầu tiên là để tạm quên áp lực từ cuộc sống thật. Nhưng khi đóng vai một người khác trong thế giới ảo, được tự do thể hiện và thỏa mãn tất cả nhu cầu của mình, họ thấy tự tin, vui vẻ, lạc quan. Trở lại cuộc sống thật, khó khăn vẫn chưa được giải quyết; thất vọng, hụt hẫng, đau khổ..., nhiều bạn trẻ lại chui vào thế giới ảo. Và cuối cùng quên luôn cuộc sống thật.
Giải pháp cai nghiện game online tôi nghĩ đồng nghĩa với trang bị lại hệ thống giá trị đã bị thương tổn của những bạn trẻ nghiện game online.

Cách cai nghiện game của em trai.
Cậu nhóc em trai mình 18 tuổi, năm ngoái cậu chàng suýt thi rớt vì mê game. hầu như ngày nào cậu ta cũng nói là đi học thêm, rồi thời gian rảnh là đi học nhóm với bạn, thế nhưng kết quả học tập rất là ẹ. Cả nhà mình sinh nghi bèn cử một người theo dõi xem cậu ta có đi học đàng hoàng không thì mọi người mới té ngửa, thì ra cậu ta nói dối để trốn vào tiệm net chơi. Lúc đó tâm trạng của cả nhà lo lắng lắm, vì cứ nghe nhan nhản trên tivi, báo đài về các vụ phạm tội do nghiện Game. Qua tìm hiểu thì biết được cậu ấy thường chơi Halflife, Audition chứ chưa rớ tới Võ lâm truyền kỳ hay Con đường tơ lụa, thế nhưng những loại game này cũng nguy hại không kém, nó làm cho người ta tốn thời gian, tiền bạc, học hành sa sút, thậm chí cũng có thể phạm tội để có tiền tiếp tục chơi.
Có lần mẹ mình bắt gặp cậu ấy đang mải mê trong tiệm nét, mẹ mình giận quá đã tát tai cậu ấy ngay tại đấy. Kết quả là cậu ấy ngày càng lầm lì, không trò chuyện với ai, không thiết ăn uống gì nữa và đã có lần trốn học để thầy cô gọi điện thoại mắng vốn.
 
Mình thấy tình hình ngày càng có chiều hướng xấu đi, vì chuẩn bị thi tốt nghiệp nên mình càng lo cho cậu ấy nhiều. Thế rồi mình cũng lần mò tìm hiểu trên sách báo, internet…những cách có thể giúp cậu ấy trở lại bình thường.

-“Xích lại gần nhau”: Mình tìm cách nói về những chuyện vui ngày xưa của mấy chị em để khuyến khích cậu ấy trò chuyện cởi mở và xích lại gần hơn với mọi người trong gia đình.
-“ Nhỏ to tâm sự”: Mình dùng lời lẽ nhẹ nhàng phân tích cho cậu ấy thấ nhưng tác hại của game như : tốn tiền, tốn thời gian, bạn bè chỉ toàn là ảo, không thật sự giúp đỡ mình, cuộc sống thật vô nghĩa khi bao nhiêu thời gian cứ ngồi trước màn hình…
-“ Cách ly tiệm Internet”: Hàng ngày ba mình sẽ là người chở cậu đi học và đón cậu sau giờ tan tầm. Bằng cách này cậu ý không có thời gian mà tấp vô mấy tiệm net nữa.
-“Lùa cọp về rừng”: Đồng thời mình cũng khuyên mẹ mình nên kết nối internet ở nhà, và thảo luận với cậu nhóc về thời gian được online như : sau khi làm bài tập xong hoặc chỉ online vào thứ 7, chủ nhật trong vòng hai hoặc ba giờ. Làm như vậy cậu ấy không cảm thấy hụt hẫng vì bị kiểm soát chặt chẽ.
-“Tìm đam niềm đam mê khác”: Mình khuyến khích cậu ấy tham gia vào các câu lạc bộ trong trường học và tham gia vào một môn thể thao nào đó.

Chỉ nhiêu đó thôi mà nhóc em mình đã “tỉnh ngộ” vì cảm động trước sự lo lắng của mọi người và tự động chăm học hành hơn, hạn chế thời gian chơi game mà chỉ tìm tài liệu giúp đỡ việc học. Giờ đây cậu ấy đang làm thủ tục nhập học vào trường ĐH KHTN với số điểm khá cao, mình thật sự hãnh diện vì sự tiến bộ của cậu ấy.

13 cách cai nghiện game hiệu quả

Với những cách cai nghiện game trong bài viết này, các bạn tuổi Teen hoặc các phụ huynh có con ở tuổi Teen nghiện game có thể tham khảo để áp dụng. Sự nỗ lực của chính Teen và người thân, cộng với những biện pháp khoa học sẽ giúp Teen kiểm soát được hành vi chơi game của mình.

Các teen chúng ta ngày nay dường như không thể sống thiếu mạng thì phải. Có teen ngày nào cũng online, không ngồi trước màn hình vi tính là không chịu nổi.

Nói tóm lại, internet có một ma lực rợn người mà ai cũng phải khiếp sợ. Đôi khi, chúng ta lên mạng mà không biết phải làm gì, nhưng vẫn lên cho đỡ bứt rứt. Điều đó rất nguy hiểm, trong chúng ta không ai muốn mình là "con nghiện" của máy vi tính và phụ thuộc vào nó bao giờ. Hơn nữa, nó còn ảnh hưởng đến cuộc sống và chuyện học tập của bạn. Nhân đây, tớ xin mách cho các bạn những cách cai mạng trong một thời gian ngắn. Rồi trải qua một thời gian dài, các bạn sẽ dần dần "hết nghiện".

1. Khi bắt đầu muốn lên mạng, hãy giữ khoảng cách với cái com-pu-tờ càng xa càng tốt. Hãy kêu anh chị hoặc đứa em sử dụng máy vi tính giùm bạn.

2. Quên chuyện online đi. Gọi điện thoại cho bạn tám chút nào. Hoặc rủ vài đứa hàng xóm cùng đi chơi để giải khuây. Sau khi "xả stress" xong, bạn sẽ còn rất ít thời gian. Do vậy, bạn không còn hứng thú online nữa.

3. Trước khi bạn có ý định vùi đầu vào máy, hãy nhờ ba mẹ mắng bạn thật nặng vào, đe doạ càng nhiều càng tốt. Lúc ấy, bạn sẽ bị "ám ảnh" khi ba mẹ chợt vẽ ra một "viễn cảnh mịt mù" về tương lai sau này của mình. Bạn sẽ hối hận và ngồi lại vào bàn học.

4. Khi có thời gian rảnh, bạn hãy mở máy với một quyết tâm cao độ. Sau đó xoá tất cả các trò chơi cài đặt trong máy, tháo cài đặt Yahoo!Messenger, xoá tất cả nội dung trong blog của bạn, rồi tắt máy (trong đau khổ). Tuy điều này có hơi dã man (biện pháp mạnh cho những ai ghiền nặng), nhưng có như vậy bạn mới tốt hơn được. Dù bạn có thèm online đến cỡ nào, thèm game đến cỡ nào thì khi nghĩ tới thời gian cài đặt lại, bạn sẽ hết muốn lên!

5. Tháo cái modem ADSL, quấn vào một mảnh vải, bỏ vào tủ có khoá, đưa chìa khoá cho ba mẹ giữ. Khi muốn lấy ra phải thông qua phụ huynh, đố ai dám! (^^)

6. Khi truy cập mạng, cố tình thao tác thật nhanh để máy... bị đứng. Như vậy bạn sẽ dễ dàng "rời khỏi" được cài màn hình vi tính.

7. Mở các trang web chính trị, xã hội, kinh tế và tự ép mình phải đọc hết. Bạn sẽ tắt máy và đi ngủ ngay thôi (^^).

8. Nhờ anh chị vào nick Yahoo của bạn và đổi password. Lúc ấy bạn có muốn tạo nick mới cũng không thể nào ép được các nick trong list cũ. Chỉ còn cách học tập thật tốt để mong anh chị trả lại pass cho mình (T_T).

9. Tháo một bộ phận, thiết bị nào đó liên qua trực tiếp đến máy tính (ví dụ như con chuột, bàn phím, thanh RAM, cặp loa...) và cất vào nhà kho hoặc gửi ở nhà người quen. Muốn lên mạng ư? Chạy cả cây số qua nhà họ và lấy lại nhé!

10. Nếu dự định ra tiệm net, trước tiên hãy lao đầu vào làm việc nhà (điều này đòi hỏi bạn đấu tranh tư tưởng dữ lắm nhé!). Làm việc nhà xong, tiếp tục. . . tập thể dục (chạy bộ tại chỗ, mang vác vật nặng...). Bạn sẽ "hết năng lượng" và lười ra khỏi nhà.

11. Cách đó không hiệu quả? Không sao. Đem thật ít tiền và dặn chủ tiệm net cài đặt thời gian chơi.

12. Và đây là cách tàn bạo nhất dành cho những người quá ghiền: Đập vỡ cái modem hoặc cố tình làm hư nó. "Phụ huynh" thấy thế sẽ "cúp" mạng mãi mãi cho mà xem (ai kêu phá của). Nhờ vậy, bạn sẽ "đoạn tuyệt" được với internet trong một thời gian dài.

13. Nếu tất cả các cách trên đều vô dụng với bạn thì. . . Không sao, đợi đến hết học kì, khi biết được chính xác kết quả học tập, bạn sẽ chẳng còn tâm trí đâu để mà "đối diện với máy" nữa (hối hận cũng đã muộn). Đó là liều thuốc hữu hiệu nhất và luôn thành công với tất cả mọi người.

ADENZ: Tổng hợp từ INTERNET.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét