Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

Trái bơ tốt cho sức khỏe

 Ngoài tính năng ngăn ngừa các bệnh về tim mạch, trái bơ còn được biết đến với nhiều công dụng khác.

Là loại cây nhiệt đới có mặt trong rừng nhiệt đới Mexico, cây bơ (Persea Americana) từ thuở xa xưa được trồng nhiều ở châu Mỹ La-tinh, châu Âu và cả châu Phi. Trái bơ có lớp vỏ dày bóng láng, có màu từ xanh thẫm đến tía, ruột màu vàng có mùi béo ngậy đặc trưng. Khác với những loại trái cây khác, trái bơ khi còn trên cây không chín bao giờ, chỉ khi được hái xuống trái mới tiếp tục quá trình chín mùi. Đối với trái bơ chín, có thể cho vào tủ lạnh và bảo quản từ 8-10 ngày.

Con người từ xưa đã biết dùng lá, vỏ cây và cả hạt trái bơ để nấu nước uống trị các bệnh giun sán, ngăn ngừa nhiễm trùng vết thương, trị cao huyết áp, đau họng, phụ nữ đau bụng khi hành kinh... và là liều thuốc giúp hưng phấn lý tưởng.

Trái bơ có nhiều năng lượng, trung bình khoảng 140 Kcal/100g và 70-90% chất béo không bão hòa đơn - làm hạ cholesterol xấu - nên có thể phòng ngừa các bệnh tim mạch. Tính năng này tương đương với dầu ô-liu, nhưng bơ lại có thể “hạ gục” mọi loại trái cây khác về hàm lượng beta caroten và potassium cao, giúp bảo vệ tốt thành động mạch. Đối với người tiểu đường thì trái bơ vô hại bởi vì nó không có nhiều đường hay tinh bột và còn giúp thải bỏ acid uric trong bệnh gút.



Chứa nhiều protein, potassium, các vitamin nhóm B, vitamin E, vitamin K và các chất vi lượng khác, trái bơ đặc biệt hơn vì có bộ ba dưỡng chất rất tốt cho sức khỏe: beta sitosterol (76 mg/100g), có khả năng xoa dịu hội chứng BPH (sự phát triển quá đà của tuyến tiền liệt); glutathion (15-20 mg/100g), cần thiết cho sự sống của cơ thể, có ích cho gan và hệ tiêu hóa; ascledin, một chất tham gia vào quá trình tái tạo mô. Trái bơ được xem là thực phẩm lý tưởng cho thiếu niên, vận động viên hay trẻ em đang phát triển.

Khi dùng trái bơ, cần lưu ý thêm là loại trái này không chịu được nhiệt độ cao khi nấu nướng và nhanh chóng bị thâm đen sau khi bổ ra.
Nguồn Yahoo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét